Chăn nuôi heo: Cứu cánh hộ nghèo

Nói đến ngành chăn nuôi, người ta thường nhắc tới những đại gia, doanh nghiệp lớn hàng trăm tỷ đồng, song thực tế thì ngành chăn nuôi gắn với các nông hộ và vẫn tiếp tục là nơi người dân đặt nhiều hy vọng trong việc tăng thu nhập mỗi ngày.

Nuôi quy mô nhỏ vẫn có thu nhập
Rất nhiều bà con nông dân cho rằng chăn nuôi quy mô nhỏ là phù hợp với điều kiện kinh tế hộ hiện nay, khi mà giá nhân công ngày càng cao và đầu tư cho sản xuất lớn chứa đựng nhiều rủi ro.
Tính toán khoa học cho thấy để sản xuất ra một con heo 80 kg hơi cần chi phí hết 2,9 triệu đồng. Rõ ràng, nếu quy mô 10 con thì chi phí chỉ cần 29 triệu đồng, trong khả năng xoay xở được của các hộ cũng như trong khả năng hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, nếu nuôi 100 con thì rõ ràng sức ép về vốn đầu tư sẽ tăng nhiều. 
chăn nuôi heo cứu cánh cho hộ nghèo - chăn nuôi
Ở Việt Nam, chăn nuôi chủ yếu vẫn theo hình thức nông hộ - Ảnh: Đức Thảo
Ước tính, mỗi con heo 80 kg có thể cho lãi khoảng 335.000 đồng, tuy chưa phải là cao nhưng cho thu nhập tương đối ổn định, so với nuôi trồng các loài khác. Nếu mỗi hộ nuôi 30 con heo thì mỗi tháng ước tính lãi 4 triệu đồng. Một con số khá hợp lý cho hộ nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó 2.035.000 tấn thịt lợn, 703.000 tấn thịt gà và 296.000 tấn thịt bò, thì có thể thấy rằng, sản xuất chăn nuôi trong nước không đáp ứng được nhu cầu nội địa, dẫn đến nhập từ nước ngoài.
Để giúp người chăn nuôi có thêm một cái nhìn toàn diện hơn khi chăn nuôi heo, chúng tôi tiến hành hạch toán chăn nuôi heo tại thời điểm hiện tại để xem hiệu quả kinh tế của một “nghề” gắn bó với người nông dân.

Người dân quan tâm đến chăn nuôi nhỏ
Trước đến nay, người nông dân nuôi heo chủ yếu theo tư duy tiết kiệm, tranh thủ thức ăn dư thừa. Song khi đã chăn nuôi quy mô 20 - 30 con thì bài toán về thu chi được đặt lên bàn cân. Người nông dân buộc phải đầu tư nhiều vào con giống, thức ăn và chi phí điện nước.
Tính toán của các nhà chuyên môn cho thấy con giống và thức ăn tiêu tốn gần 80% chi phí (chưa kể chi phí nhân công).  Ngoài ra, để có lãi thì người nuôi phải nuôi quay vòng liên tục 3 - 4 tháng một lứa, tiêu tốn khá nhiều nhân công.
Bởi vậy, việc chăn nuôi đơn thuần sẽ không đem lại lợi ích lớn cho người nông dân trừ phi họ kết hợp với những ngành nghề khác. Đặc biệt ở các tỉnh, thành phía nam, trước kia chuyên canh trồng lúa, gần đây đang chuyển sang mô hình kết hợp chăn nuôi và trồng trọt.
Với khoảng 5 ha đất để trồng lúa, chăn nuôi, kết hợp với dịch vụ, một hộ gia đình có thể có thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng mỗi năm, thay vì chỉ trồng lúa. Đây là bài toán được nhiều người dân Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm.
Ngược lại, với các tỉnh, thành phía Bắc, do dân số tăng, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, người dân cũng dần chuyển sang chăn nuôi. Bởi cùng một diện tích nhỏ hẹp thì việc chăn nuôi hứa hẹn cho thu nhập cao hơn trồng trọt. Theo người dân thì diện tích chăn nuôi heo cần khoảng 1 m2 cho mỗi con, như vậy với khoảng 200 m2 đất, người dân cho thể nuôi được gần 200 con heo, trong khi diện tích ấy rất khó để trồng trọt. Và với khoảng 100 con heo thì thu nhập ổn định cho gia đình nông thôn phía Bắc vào khoảng 15 - 20 triệu đồng/ tháng là khả thi.

Giảm giá thành bằng cách tự túc thức ăn
Các nhà chuyên môn đều cho rằng chăn nuôi chỉ có lãi với quy mô hơn 100 con, nhưng thực tế người nông dân nhiều nơi, như ở Đồng Nai, Hà Nội đã chứng minh họ có thể có lãi ở quy mô 30 - 50 con nếu như không phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp.
Các hộ tự xay xát và pha trộn cám, thì chi phí thức ăn giảm 1.300 -1.5000 đồng/kg thức ăn. Nhược điểm thức ăn tự chế là thời gian nuôi heo tăng lên thậm chí 1 tháng so với chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng thịt heo lại ngon hơn, được ưa chuộng hơn và quan trọng là người dân vẫn thu được lợi nhuận cao hơn.
Một số hộ cũng khéo léo kết hợp giữa hai loại thức ăn. Giai đoạn đầu sử dụng thức ăn công nghiệp, kích thích heo chóng lớn. Từ giai đoạn heo 20 - 3 0kg thì chuyển sang ăn cám trộn, tạo ra heo thịt chắc, giảm chi phí, thậm chí thu nhập tăng gấp đôi (lãi khoảng 600 - 700.000 đồng/con) so với nuôi bằng thức ăn nhà máy.

Liên kết và giải quyết thị trường bằng thương hiệu
Bài toán đầu ra là khó nhất đối với các nông hộ nhỏ lẻ. Để giải quyết vấn đề này, các hợp tác xã ở Đồng Nai đã cho thấy họ phát huy hiệu quả, khi ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên. Ngoài ra, người dân cũng tự liên kết với nhau thành các tổ nhóm, để đáp ứng cho những đơn hàng lớn hơn khả năng nuôi của từng hộ.
Các hộ nông dân ở Củ Chi, TP.HCM cho biết họ hoàn toàn có thể chăn nuôi và cung ứng ra thị trường thịt heo đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP mà không cần đến sự đầu tư của các đại gia và nhà máy lớn. Thực tế HTX ở đây cung ứng khoảng 3.000 con heo sạch mỗi ngày cho thị trường hoàn toàn bằng chăn nuôi nhỏ từ các hộ. 
Tuy vậy, khó khăn của các nông hộ nhỏ đó là khi chăn nuôi số lượng ít thì lợi nhuận không cao, do đó sức cạnh tranh trên thị trường giảm đi, nhất là phải cạnh tranh với những sản phẩm không rõ nguồn gốc chất lượng. Giá thịt heo của các HTX và thịt heo trôi nổi của thương lái giá cũng như nhau.
Tiếp xúc với nông dân Củ Chi, chúng tôi được biết họ muốn xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn thương hiệu “Bò Củ Chi” rất nổi tiếng. Song việc xây dựng thương hiệu cho con heo thì cần phải có thời gian và đặc biệt là vấn đề về giống, chế biến và tiêu thụ, cũng cần thay đổi theo hướng xây dựng thương hiệu bền vững.

 
Nguồn: ĐTK tổng hợp
Theo: Người chăn nuôi

Đăng nhận xét