Phát triển chăn nuôi lợn ồ ạt, tự phát = giết chết môi trường nhanh chóng

Vì miếng cơm manh áo từ nhiều năm nay người dân xã Ngọc Lũ cam chịu cảnh sống chung với ô nhiễm nghiêm trọng do chính việc chăn nuôi gây ra.

chan-nuoi-lon
Chăn nuôi lợn đang gây ra hệ lụy rất lớn cho môi trường
Nhiều biện pháp cải thiện môi trường đã được thực hiện nhưng không hiệu quả. Ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí...Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế, công ăn việc làm ngành chăn nuôi lợn mang lại những năm gần đây, song loài gia súc này cũng đang gây áp lực khủng khiếp lên môi trường bởi lượng chất thải sinh ra quá lớn.
Câu chuyên Ngọc Lũ
Nhắc đến nghề chăn nuôi lợn tại miền Bắc, không đâu nổi tiếng hơn xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từ một xã thuần nông trồng lúa, nay theo thống kê Ngọc Lũ có khoảng 80% trong số 1.600 hộ dân đang sinh sống bằng nghề nuôi lợn.
Tuy phát triển theo quy mô nông hộ trong khu dân cư nhưng tổng đàn lợn trên địa bàn xã luôn ở mức gần 100 ngàn con/lứa. Hộ ít dăm chục con, hộ nhiều lên tới vài trăm, thậm chí cả nghìn con.
Nhưng điều đáng nói là hiện chỉ có khoảng 60% số hộ chăn nuôi tại Ngọc Lũ xây hầm biogas, trong đó chỉ 35%/60% bể biogas đảm bảo các tiêu chuẩn xử lý môi trường 1m3/3 con lợn.
Số hầm biogas còn lại luôn trong tình trạng quá tải nên ước tính mỗi ngày có hàng trăm tấn chất thải rắn, hàng nghìn m3 chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn không qua xử lý tại Ngọc Lũ được xả thẳng ra môi trường.
Chính vì vậy, vì miếng cơm manh áo từ nhiều năm nay người dân xã Ngọc Lũ cam chịu cảnh sống chung với ô nhiễm nghiêm trọng do chính việc chăn nuôi gây ra. Nhiều biện pháp cải thiện môi trường đã được thực hiện nhưng không hiệu quả. Ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí ngày một báo động.
Thực tế, mọi kênh mương, ao chuôm, sông đầm tại xã Ngọc Lũ hiện đều trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Mùi hôi thối ngự trị ở địa phương này quanh năm suốt tháng.
chan-nuoi-lon
Ảnh: Nguyên Huân
Quan sát bằng mắt thường chúng tôi cũng nhận thấy nhiều trại chăn nuôi lợn ở xã Ngọc Lũ được người dân xây dựng ngay sát các kênh mương rồi lắp đặt ống xả thải trực tiếp ra môi trường- thứ nước đen kịt lẫn phân sanh sánh.Ngay cả những hộ có hầm biogas, song do tiết kiệm làm dung tích quá nhỏ nên tình trạng quá tải biogas gần như phổ biến nên đầu vào và đầu ra của biogas không khác nhau là mấy.
Bài học từ trung Quốc
Câu chuyện tại xã Ngọc Lũ gần như có thể đại diện cho rất nhiều ngôi làng, địa phương có nghề chăn nuôi lợn phát triển bùng nổ mấy năm gần đây. Quả thực, xung quanh Ngọc Lũ hiện rất nhiều xã có phong trào nuôi lợn đang tăng trưởng đột biến không thể kiểm soát.Đặc biệt, mỗi khi thị trường Trung Quốc có cầu tiêu thụ thịt lợn lớn khiến giá tăng vọt, ngay lập tức chỉ trong thời gian ngắn có thêm hàng chục nghìn hộ dân gia nhập ngành nuôi lợn tự phát
Ảnh: Nguyên Huân
Ngoài những thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM… hiện có quản lí, cấp phép chăn nuôi lợn, còn hầu hết các địa phương khác người dân có thể nuôi lợn bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu mà không cần phải xin phép ai cũng như không có lực lượng chuyên trách nào kiểm tra, xử lí.
Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện tổng số đầu lợn tại Việt Nam vào khoảng 28,31 triệu con, tăng xấp xỉ 5% so với 2015. Tuy nhiên, trong tổng số khoảng 8 triệu hộ chăn nuôi lợn hiện nay mới chỉ có khoảng 500.000 công trình biogas, tức chiếm chưa đầy 10%.
Qua tìm hiểu từ rất nhiều nguồn tin chúng tôi được biết, sở dĩ từ cuối năm 2015 và nửa đầu 2016 giá lợn hơi tại nước ta tăng đột biến là do nguồn cung bên phía Trung Quốc thiếu hụt lớn.
Nguyên nhân là do Chính phủ Trung Quốc sau một thời gian phải trả giá về môi trường trong chăn nuôi lợn quá lớn nên đã “thiết quân luật” lại điều kiện môi trường với chăn nuôi và đóng cửa hàng chục nghìn trại lợn. Hồng Kông, Thượng Hải, Ma Cao… đã cấm triệt để việc chăn nuôi lợn trong khu dân cư.
Chính vì vậy, rất nhiều trại lợn hiện đã phải di chuyển về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của Trung Quốc để duy trì hoạt động nhằm tránh sự kiểm soát quá gắt gao của cơ quản quản lí nhà nước.
Do đó, rất có thể khoảng giữa năm 2017 quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới này phục hồi lại được quy mô đầu lợn và khi đó không biết họ có còn "ăn" lợn mỡ Việt Nam nữa không.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân thừa nhận, ngành chăn nuôi của Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi lợn thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm rất tốt, nhưng vấn đề môi trường thực sự chưa được chú trọng.
Theo ông Vân, so với các vật nuôi khác là gia cầm và bò, chăn nuôi lợn gây áp lực tới môi trường lớn nhất bởi lượng chất rắn, chất thải lỏng, chất thải khí sinh ra từ chăn nuôi quá lớn.
Theo tính toán, bình quân 1 con lợn mỗi ngày thải ra môi trường 1,5kg chất thải rắn và 0,5kg chất thải lỏng. Cộng thêm khối lượng nước tắm và rửa chuồng nên lượng chất thải thực tế hàng ngày từ chăn nuôi lợn còn lớn gấp 2, gấp 3 lần so với tính toán lý thuyết.
Về môi trường trong chăn nuôi đang vô cùng cấp bách, nên ông Vân cho biết, năm 2017 sẽ được chọn là năm môi trường trong chăn nuôi. Bản thân trong đề án tái cơ cấu, ngành chăn nuôi xác định ba mục tiêu quan trọng nhất là: Hiệu quả - Hội nhập - Bền vững.
“Hiện nay sản lượng thịt lợn bình quân của nước ta vào khoảng 4 triệu tấn/năm. Theo tôi chúng ta chỉ nên phát triển ở ngưỡng 6 - 8 triệu tấn là tối đa. Thay vào đó tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đặc biệt là công tác cải thiện và xử lí môi trường", theo ông Vân.
+ Câu chuyện chăn nuôi lợn tại Trung Quốc thời gian qua chính là bài học kinh nghiệm nhãn tiền để chúng ta có những bước điều chỉnh kịp thời và phù hợp để không bị rơi vào hệ lụy của việc phát triển quá nóng.
+ Tình trạng chăn nuôi lợn quy mô bán chuyên nghiệp vài chục, thậm chí vài trăm con trong khu dân cư hiện vẫn còn khá phổ biến nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường vô cùng nguy hiểm.

 
ĐTK tổng hợp
Theo báo Nông nghiệp

Đăng nhận xét