Phúc lợi động vật - “chìa khóa” chăn nuôi bền vững

Mặc dù khá phổ biến trên thế giới, song tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn còn là một khái niệm hoàn toàn mới và không phải ai cũng hiểu được. Tuy nhiên, đây lại là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển một ngành chăn nuôi bền vững.

Chỉ là khái niệm mơ hồ?
Phúc lợi động vật còn được biết đến với tên gọi quyền lợi động vật (animal welfare), hiểu một cách đơn giản là đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt, tránh những đau đớn không đáng có dù con vật đó được nuôi, làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng, bị nuôi nhốt và bị giết mổ.
Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp và trong nhiều năm đã không quan tâm đến phục lợi động vật và nhiều người dân đã không biết khái niệm này cho đến khi các phương tiện truyền thông thế giới đưa tin về sự “dã man” của lễ hội chém lợn (heo) và trước áp lực này, lần mới đây, ban tổ chức thay vì Chém Lợn giữa đám đông buộc phải đưa vào nơi kín đáo hơn để thực hiện nghi lễ truyền thống mấy trăm năm qua.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của câu chuyện phúc lợi động vật chỉ xuất hiện khi có clip của Tổ chức Animals Australia (Úc) để “tố cáo” sự vi phạm từ Việt Nam. Cụ thể, vào tháng 6/2016, sau nhiều tháng “mật phục” ở mấy chục lò giết mổ ở Việt Nam, tổ chức này đã quay được một clip nói nói về tình trạng dùng búa tạ để giết bò tại một lò mổ và kêu gọi doanh nghiệp nước này ngưng xuất khẩu bò sang Việt Nam.            
Những cải thiện đầu tiên
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc VISSAN, một trong những công ty kinh doanh các sản phẩm giết mổ gia súc, gia cầm cho biết, từ lâu VISSAN đã dùng súng hơi để giết mổ, đây là cách mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang làm. Theo phía doanh nghiệp, phúc lợi động vật là một khái niệm cũ người nhưng mới ta và đang dấy lên nhiều tranh luận trái chiều.
Những quy định của luật pháp thường không theo kịp những bước tiến của xã hội và chuyện người dân dùng búa tạ để giết mổ động vật, xét vào luật là không quy định trong văn bản nào - tức là người dân vẫn được làm vì chưa có luật định nào cấm hành động này. Vì thế, dù đã hai lần bị Animals Australia lên án hành vi giết mổ thiếu tính nhân đạo, cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở mức cảnh báo mà không có một quyết định hành chính vì, chưa có luật định nào nói về vấn đề này. Do đó, để dứt điểm tình trạng này, cách tốt nhất là sớm đưa vào luật.
Có cần cho ngành chăn nuôi?
Những phân tích ở trên có thể thấy, thế giới đang hướng đến một xã hội tốt hơn mà ở đó, quyền của động vật luôn được tôn trọng và xem là một tiêu chí trong các hoạt động xuất nhập khẩu động vật. Song, lâu nay ngành chăn nuôi Việt Nam chỉ có nhập khẩu là chính, còn xuất khẩu gia súc, gia cầm chỉ một lượng tối thiểu. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có cần quan tâm đến khái niện “phúc lợi động vật hay không”?
So với các lĩnh vực nông nghiệp khác, chăn nuôi Việt Nam dù có tổng đàn gia súc, gia cầm nằm trong top 10 thế giới nhưng sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước mà phải nhập khẩu. Một khi sản phẩm chăn nuôi chưa xuất khẩu được, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi sẽ không quan tâm nhiều đến câu chuyện phúc lợi động vật? Đó là lý lẽ của một số doanh nghiệp khi phóng viên hỏi ý kiến trước cáo buộc của Animals Australia câu chuyện dùng búa tạ giết bò. Tuy nhiên, trong tiến trình toàn cầu hóa, Việt Nam phải sớm tiếp cận với những quy chuẩn của thế giới.
Chăn nuôi Việt Nam trong những năm qua đã có những thay đổi rõ rệt, cụ thể, mô hình chăn nuôi nông hộ đang dần được thay thế bởi chăn nuôi trang trại, công ty với quy mô lớn. Và bên cạnh đó, các địa phương cũng đang nỗ lực trong việc quy hoạch giết mổ, tránh tình trạng tồn tại những lò giết mổ nhỏ tại các khu dân cư, gây ra ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn những khả năng bùng phát dịch bệnh. Việc quy hoạch lại nơi giết mổ là một bước đi trong việc phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững. Dĩ nhiên, đi liền với đó, các công ty sẽ phải tuân thủ những tiêu chí đạo đức trong giết mổ và tôn trọng khái niệm phúc lợi động vật. Phúc lợi động vật là một tiêu chí không thể thiếu và cần phải làm cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong việc tiếp cận với thế giới cũng để phát triển chăn nuôi bền vững.
>> Trong dự thảo Luật Thú y, lần đầu tiên khái niệm phúc lợi động vật được đưa vào. Đây có thể được xem là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc tiếp cận với quy định thế giới khi những quốc gia tiên tiến như Mỹ, Canada đã đưa khái niệm này vào luật định.
 
ĐTK tổng hợp

Đăng nhận xét