Đừng để nhập khẩu salbutamol mở đường cho sai phạm

Salbutamol là chất tạo nạc xét thuộc danh mục chất cấm trong chăn nuôi; trong khi “chất kịch độc” này đưa vào cơ thể sẽ gây những hậu quả khôn lường thì việc cho nhập khẩu lại chất này vào thời gian tới được dự báo là gây ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng và ngành chăn nuôi.

Nhiều lo ngại
Bộ Y tế cho rằng nhập khẩu salbutamol đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh cho con người và cho phép tái nhập khẩu salbutamol là căn cứ theo nhu cầu trong nước để sản xuất thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT đã từng đưa ra cáo buộc rằng salbutamol mà các doanh nghiệp dược nhập về đã bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi. Bởi lẽ sau khi phát hiện việc sử dụng tràn lan, trái phép và sự nguy hại của chất này, ngành chức năng, cụ thể là Cục Chăn nuôi đã tích cực thực hiện các biện pháp tuyên chiến, tổ chức chương trình cam kết cho người nông dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Những kết quả ban đầu “hòm hòm” thì ngành lại tiếp tục phát hiện thêm hàng loạt chất mới. Cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn” chưa tạm yên thì việc cho nhập khẩu trở lại salbutamol sẽ là khó khăn cho ngành.
Ông Trần Văn Chiến, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, việc tiếp tục cho nhập salbutamol của Bộ Y tế dùng để sản xuất thuốc và chữa bệnh nên không thể cấm được, nhưng sợ rằng các thương lái sẽ lại yêu cầu người nuôi trộn chất này để heo đẹp mã, tăng lượng nạc. Nhiều người do hám lợi nên có thể vẫn sẽ lén lút dùng.
Cùng chung suy nghĩ trên, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng tỏ ra khá lo ngại khi tình trạng sử dụng loại chất này sai mục đích trong chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là hoàn toàn có thể tái diễn. Còn theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc ngành y tế tiếp tục cho nhập sabutamol là để đáp ứng yêu cầu về sản xuất thuốc chữa bệnh. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, đây là chất cấm sử dụng cho vật nuôi mà đã được quy định tại Thông tư 01. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Đến nay, hầu hết người chăn nuôi và người tiêu dùng đều biết tác hại và bị cấm sử dụng chất này.
chất cấm trong nuôi heo - chăn nuôi
Bộ NN&PTNT lo ngại tình trạng lén lút sử dụng sabutamol trong nuôi heo lại tái diễn    Ảnh: Quang Quyết
Tăng cường giám sát
Với nhiều người, quyết định nhập khẩu trở lại salbutamol được coi là “vẽ đường cho hươu chạy” khi chất này đã được cấm trong ngành chăn nuôi nhưng nhiều người vẫn sử dụng sai mục đích. Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được coi là hành động “giết người thầm lặng”. Do đó, hãy nói không với nhập khẩu chất này.
Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam, ông  Hoàng Triều cho biết, từ 1/7 Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, liên quan tới những hành vi kể trên thì người sử dụng những chất này có thể sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 3 năm, nếu có tình tiết tăng nặng thì từ 3 - 7 năm. Mức phạt tù có thể lên tới 20 năm thậm chí cao hơn. Việc sử dụng chất này trong chăn nuôi được coi là rất nặng tội, với chăn nuôi kiên quyết là không, nhưng ngành Y tế cho phép nhập khẩu là việc của ngành Y tế, những lo ngại về việc sử dụng trái phép là cũng đúng, ai không sợ ngồi tù thì tiếp tục sai phạm.
Được biết dù Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp nhập khẩu lượng tối thiểu 100 kg salbutamol đáp ứng nhu cầu điều trị trước mắt của người dân, đó là Công ty CP Dược Vacopharm và Công ty CP Dược phẩm Trung ương I-Pharbaco (mỗi đơn vị 50 kg). Tuy số lượng này được coi là không nhiều nhưng cần phải giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu, hậu kiểm. Ông Hoàng Thanh Vân cho biết: Bộ NN&PTNT đã có văn bản thống nhất quản lý với Bộ Y tế, theo đó, Bộ Y tế công khai doanh nghiệp nhập khẩu, thời gian nhập, số lượng và tăng cường công tác quản lý giám sát. Bộ NN&PTNT sẽ giao cho các đơn vị liên quan phối hợp quản lý. Như vậy sẽ không sợ sabutamol bị bán ra ngoài. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi vẫn phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Về giải pháp lâu dài, để giải quyết tình trạng sử dụng chui chất cấm trong chăn nuôi, nhà máy giết mổ sẽ là nơi kiểm soát và chịu trách nhiệm về chất lượng thịt, hạn chế giết mổ nhỏ lẻ, mổ lậu.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Y tế giám sát nghiêm ngặt việc nhập khẩu, sử dụng salbutamol theo tinh thần quản lý kiểm soát đặc biệt; thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng trong sản xuất thuốc có chứa salbutamol.
 
ĐTK tổng hợp

Đăng nhận xét