Cần bảo vệ ngành chăn nuôi

Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, đồng nghĩa với đó, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng nông sản sẽ dần về 0%. Để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước cần đưa ra những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm - hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật. Trên thực tế, điều này chưa được cơ quan quản lý thực sự quan tâm.

Giá rẻ, chất lượng có cao?
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng trên dưới 100.000 tấn thịt, trong đó, chủ yếu là thịt gà. Bên cạnh đó, có một lượng thịt bò - dạng nguyên con được doanh nghiệp nhập từ Úc để bán thay vì nhập thịt xẻ, thịt đông lạnh vốn chịu thuế cao.
Điều đáng nói là trong nhiều sản phẩm thịt gà, doanh nghiệp Việt Nam chọn nhập những sản phẩm mà những quốc gia khác xem là đồ bỏ đi như gà thải loại – dưới cái tên là gà dai nguyên con từ Hàn Quốc, chân gà, cánh gà, đùi gà từ Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết, những sản phẩm thịt gà mà doanh nghiệp nhập về từ Mỹ, Hàn Quốc được mua với giá chỉ mười mấy ngàn đồng một kg. Xét về chi phí chăn nuôi, không có quốc gia nào có thể nuôi được gà với giá thành rẻ nhưng vậy. Giá rẻ chỉ có thể là một sản phẩm đi liền với chất lượng không đảm bảo.
Chất lượng thịt gà nhập khẩu lâu nay có đúng như lời ông Ngọc hay không? Theo phía Cơ quan Thú y vùng 6, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, trước khi một lô hàng thịt đông lạnh nhập về, cơ quan thú y sẽ tiến hành kiểm tra những tiêu chí về an toàn thực phẩm và những lô hàng nào được phép thông qua là đảm bảo tiêu chí.
trang trại chăn nuôi - chăn  nuôi
Việt Nam vẫn còn ít trang trại quy mô lớn Ảnh: Trần Út
Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0%, vì thế, thời gian qua đã có những lo lắng về tính cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở vùng nông thôn vốn xem chăn nuôi là một trong những nguồn thu tài chính lớn của gia đình.
Vì thế, ngày 17/11, tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính Phủ, trước câu hỏi của một đại biểu Quốc hội: Chính Phủ sẽ làm gì để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, người đứng đầu Chính phủ cho biết, thời gian tới Việt Nam phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành sản xuất trong nước... Câu nói này, có thể là tín hiệu vui của ngành chăn nuôi ,vốn không có tính cạnh tranh mạnh như các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Thời gian qua, thị trường chăn nuôi trong nước nhiều phen điêu đứng vì thịt gà dai nhập khẩu từ Hàn Quốc, thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ được doanh nghiệp bán ra thị trường với giá khổng thể rẻ hơn. Tuy nhiên, danh sách quốc gia xuất khẩu thịt gà sang Việt Nam chưa dừng lại ở đó. Sau khi người Thái thâu tóm hệ thống bán lẻ Metro Việt Nam, nhiều mặt hàng của Thái đã tràn ngập trong hệ thống siêu thị này. Theo nguồn tin của chúng tôi, đã có ít nhất một công ty đang làm những thủ tục cần thiết để nhập khẩu thịt gà đông lạnh từ Thái Lan, sau đó, phân phối trong hệ thống siêu thị Metro. Nếu điều này xảy ra, mà thực tế sẽ xảy ra, ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tiêu chuẩn kỹ thuật chưa quá khắt khe
Hiện tại, việc làm thủ tục nhập khẩu thịt gà cũng không quá nhiêu khê, thậm chí là khá dễ dàng. Theo thông tin trên mục tư vấn hải quan trực tuyến của Tổng cục Hải quan, mặt hàng thịt gà khi làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam thuộc đối tượng hàng hóa phải kiểm dịch động vật trước khi thông quan theo quy định của Bộ NN&PTNT tại Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 và thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi thông quan (đăng ký với Bộ NN&PTNT) theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo Hiệp hội Căn nuôi Đông Nam bộ, những quy định nói trên, ở một khía cạnh nào đó là những quy định tối thiểu, chứ không thể gọi là quá khắt khe nên không làm khó cho doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu thịt gà hay các mặt hàng thịt khác.
Thực tế, những quy định của Bộ NN&PTNT là những quy định cơ bản tối thiểu để đảm bảo sản phẩm thịt nhập khẩu đáp ứng an toàn thực phẩm chứ chưa quá khắt khe, lý do, là đi liền với những quyết định này, Việt Nam cũng đưa ra mức thuế nhập khẩu khá cao, dao động từ 15 - 20% giá trị sản phẩm.
Khi thuế cao, doanh nghiệp cảm thấy việc nhập về sẽ không có lãi, do đó, sẽ hạn chế nhập về bán thị trường nội địa. Còn nay, khi thuế nhập khẩu về gần 0% và sẽ 0% trong vài năm tới, lúc đó, doanh nghiệp sẽ nhập về và nhiều hơn. Nghĩa là để bảo vệ ngành chăn nuôi, những tiêu chí trong Quyết định 45 hay Nghị định 38 không thể bảo vệ người chăn nuôi trong nước.
Để bảo vệ hàng triệu hộ chăn nuôi, nên chăng, cơ quan quản lý cần có những hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn để bảo vệ người chăn nuôi trong nước như lời Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn Quốc hội trong kỳ họp năm nay. Việc đưa ra những quy định kỹ thuật, các nước đã làm, để bảo vệ người nông dân nước họ. Việt Nam với 60% là người dân sống ở nông thôn, chăn nuôi là một trong những nguồn thu nhập chính, hàng triệu hộ dân này sẽ không thể trụ vững, ảnh hưởng đến sinh kế nếu như Chính phủ không có những chính sách giúp đỡ, hỗ trợ họ để cải thiện nguồn thu nhập.
>> Theo Bộ NN&PTNT, tính đến 15/9, đàn trâu cả nước giảm 1% so với cùng kỳ năm 2015, đàn bò tăng 2% - 2,5%, đàn heo tăng 3,5 - 4%, đàn gia cầm tăng 5% - 5,5%. Sản lượng thịt heo hơi tăng 4,5%; sản lượng thịt gia cầm tăng 5,7%.     
 
ĐTK tổng hợp

Đăng nhận xét