Tiêu thụ ổn định sản phẩm chăn nuôi

Để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa bền vững, thì việc phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm được coi là giải pháp tiên quyết của ngành nông nghiệp Hà Nội. Từ kết quả ban đầu, Trung tâm Phát triển chăn nuôi thành phố tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong tình hình giá lợn hơi đang giảm thấp như hiện nay. Một điểm bán thực phẩm sạch sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội.
Phát triển chuỗi liên kết 
Nhằm thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên canh, tập trung, hình thành các vùng chăn nuôi có năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua các chuỗi sản xuất, đến nay Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã xây dựng được 21 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có chín chuỗi thịt lợn, tám chuỗi gia cầm, một chuỗi thịt bò, một chuỗi sữa bò tươi và hai chuỗi tổng hợp; hằng ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn, 0,35 tấn thịt bò, 13,3 tấn thịt gia cầm, 296 nghìn quả trứng gia cầm và khoảng 78 tấn sữa tươi, xây dựng được năm nhãn hiệu tập thể và 13 nhãn hiệu hàng hóa. Ngoài ra, Trung tâm còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sản phẩm an toàn - sản xuất theo chuỗi - truy xuất được nguồn gốc”.
Đánh giá về vai trò của các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng chỉ có thể giải quyết được các khó khăn trong sản xuất và thị trường thông qua việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi; liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm giúp tạo ra sản phẩm an toàn, ổn định, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, hài hòa được lợi ích từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng. Người nông dân hay các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ hoặc doanh nghiệp không thể tự thực hiện chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm được mà rất cần vai trò thúc đẩy từ phía Nhà nước. Phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ với các doanh nghiệp để có thể đủ năng lực đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Với cơ quan chức năng Nhà nước, cần phải giúp các doanh nghiệp xuất khẩu theo con đường chính ngạch mới bảo đảm đầu ra ổn định, bền vững. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tuyên truyền để các tác nhân từ khâu cung cấp đầu vào, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bán lẻ và người tiêu dùng tích cực tham gia xây dựng chuỗi liên kết; cùng với đó là cung cấp các dịch vụ công để thúc đẩy phát triển chuỗi.
“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các chuỗi chăn nuôi để xây dựng những chuỗi giá trị đích thực, hiệu quả; chiếm lĩnh thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Khó khăn hiện nay là giá thịt lợn hơi đang giảm sâu, nhưng đây cũng là thời cơ cho chúng ta tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn một cách hiệu quả, phát triển bền vững và bắt kịp trình độ chăn nuôi lợn của thế giới. Để làm được điều đó, cần thúc đẩy ngay các doanh nghiệp đầu mối là các doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu sản phẩm của chuỗi phải giết mổ trên dây chuyền công nghiệp hoặc thuê nhà máy giết mổ chế biến công nghiệp đủ điều kiện sản xuất ra sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông, có bao gói nhãn hiệu sản phẩm, đúng quy trình đạt chuẩn quốc tế để giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô” - ông Tường cho biết thêm.
Đổi mới mạng lưới tiêu thụ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố có 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm, với 1,8 triệu con lợn và 1.086 trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư, cho tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt hơn 320 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, hiện người chăn nuôi đang đối mặt với khó khăn do diễn biến thị trường. Giá lợn hơi tại cổng trại thấp hơn giá sản xuất (bình quân khoảng 34 nghìn đồng/kg) khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Để giải quyết tình trạng cung - cầu đang mất cân đối, tồn đọng không nhỏ số lượng lợn đã đủ điều kiện xuất chuồng, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phát động các doanh nghiệp đầu mối chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội hưởng ứng Tháng giới thiệu thịt mát và thịt cấp đông tới người tiêu dùng Thủ đô.
Nói về cách làm này, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: "Chúng tôi coi đây là một cuộc cách mạng, nhằm dần xóa bỏ tình trạng gia súc, gia cầm phải giết mổ, tiêu thụ trong ngày, sang phát triển mạng lưới tiêu thụ hiện đại, bảo đảm vệ sinh, chất lượng sản phẩm nâng lên và sẽ thay thế mạng lưới tiêu thụ truyền thống chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay. Chợ truyền thống sẽ giảm và tiến tới không còn hình thức kinh doanh sản phẩm sống tại chợ truyền thống, thay vào đó là hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử… như ở các nước phát triển hiện nay". Cũng theo ông Tường, khi đã xóa bỏ được tình trạng giết mổ, tiêu thụ trong ngày thì khâu chăn nuôi sẽ không còn chịu áp lực cung cấp đầu ra nhỏ giọt cho thương lái nữa mà áp dụng chăn nuôi cùng vào cùng ra, sẽ giúp khống chế được dịch bệnh, giảm nhiều tổn thất trong chăn nuôi, năng suất được nâng lên, giá thành sản xuất sẽ giảm xuống. Đây cũng là điều kiện quan trọng để tổ chức chăn nuôi công nghệ cao bằng việc nâng quy mô chăn nuôi lớn lên, ứng dụng các thiết bị chuồng nuôi và xử lý môi trường hiện đại, đủ điều kiện sản xuất được những giống chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

 
ĐTK tổng hợp theo vietbao

Đăng nhận xét