Braxin sắp nhập khẩu cà phê hạt lần đầu tiên

Căng thẳng chính trị và giá cả toàn cầu tăng sau những đợt hạn hán nghiêm trọng là đòn giáng mạnh lên nguồn cung cà phê robusta ở Braxin...

Vài năm gần đây trở nên khó khăn với anh Rodrigo Rigo – một nông dân trồng cà phê ở tiểu bang Espirito Santo, phía bắc Thủ đô Rio de Jainero, Braxin.
Chịu ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng ở những tiểu bang chủ chốt trồng cà phê, những gì anh thu hoạch được đã giảm 60% so với mức thông thường.
“Những người già 60, 70, 80 tuổi sống quanh đây, không ai trong số họ đã từng chứng kiến hạn hán nghiêm trọng như thế này”, anh nói.
Anh Rigo và những nông dân khác đang chuẩn bị đón một mối đe dọa khác: cà phê nhập khẩu. Lần đầu tiên kể từ khi nước này chiếm ưu thế trên toàn cầu về các sản phẩm cà phê từ thế kỷ 19, Braxin đang chuẩn bị mở cửa cho cà phê đi vào từ các nước khác như Việt Nam trong hoàn cảnh thiếu hụt nguồn cung cà phê hạt.
Khoảng 90% hạt cà phê robusta ở Braxin – loại có chất lượng thấp hơn hạt arabica – được sử dụng trong nước, chủ yếu được bán cho ngành công nghiệp chế biến cà phê hòa tan. Cùng với việc đẩy giá cà phê robusta lên mức cao kỷ lục ở Braxin, thiếu hụt nguồn cung cũng đã đưa giá thế giới lên mức cao nhất trong vòng 5 năm.
Tăng đột biến giá robusta đã đe dọa vị trí dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan toàn cầu của Braxin. Sau khi chần chừ trong nhiều tháng liệu có nên cho phép tạm thời nhập khẩu khoảng 60.000 tấn cà phê tươi nguyên hạt, chính phủ có vẻ đã chấp thuận biện pháp này.
Măc dù đã từng nhập khẩu cà phê rang và xay trong quá khứ, cà phê tươi nguyên hạt của nước ngoài chưa một lần đặt chân lên đất Braxin trong 290 lịch sử ngành cà phê, ông Nathan Herszkowicz, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Cà phê Braxin cho biết.
Braxin không cấm nhập khẩu cà phê, nhưng áp thuế 10% và chính phủ đang cân nhắc đưa mức này xuống 2% trên con số giới hạn.
“Mùa màng thất bát ở Espirito Santo trong năm 2015, 2016 và giờ là 2017 đã làm thiếu hụt ngày càng nghiêm trọng, khiến giá robusta tăng bằng giá arabica, điều chưa từng xảy ra trước đây ở Braxin”, ông Aguinaldo Jose de Lima, Giám đốc Hiệp hội Cà Phê hòa tan Braxin cho biết.
Giá robusta đã chạm đỉnh gần 570 BRL/kg (185 USD) hồi tháng Mười Một, tăng hơn 50% kể từ đầu năm 2016, mặc dù kể từ đó giá đã giảm xuống 440 BRL/kg nhờ dự báo lượng nhập khẩu.
Khi cả ngành đang trải qua sụt giảm 35% lượng xuất khẩu trong tháng Một và tháng Hai so sánh với cùng kỳ năm trước, giám đốc điều hành của các công ty đang thúc giục chính phủ mở cửa cho nhập khẩu hoặc đánh đổi thị phần trên thị trường cà phê hòa tan toàn cầu.
Thị trường cà phê hòa tan chiếm hơn 1/3 tổng lượng tiêu thụ cà phê và đang gia tăng với tốc độ 4%. Mặc dù người dùng ở phương Tây đang giảm, cà phê hòa tan vẫn phổ biến rộng rãi ở các thị trường đang phát triển như Đông Nam Á và Đông Âu.
Tuy nhiên, không ngạc nhiên rằng những người trồng cà phê robusta và các đại biểu của họ trong quốc hội kịch liệt phản đối nhập khẩu.
“Các công ty đang lợi dụng hạn hán như một cái cớ để thúc giục mở cửa cho nhập khẩu”, ông Evair Vieira de Mello cho biết. Ông là một thành viên của Hạ Viện đến từ Espirito Santo đứng về phía người trồng cà phê – những người mang lại nguồn thu chính cho tiểu bang này.
“Họ đang lợi dụng thời điểm nhạy cảm để tấn công sản phẩm chính của tiểu bang chúng tôi”, ông nói. Nhập khẩu cà phê có thể đẩy các sản phẩm cà phê sản xuất truyền thống bởi các doanh nghiệp gia đình ra khỏi thị trường, dẫn đến sự độc quyền có thể gây tổn thương nền kinh tế.
Đại diện của Espirito Santo đã lập luận rằng chính phủ ước tính rằng hàng tồn kho cà phê robusta còn dưới 2 triệu túi, được coi là không đủ để cung cấp cho thị trường Braxin, là sai và số liệu thực là 4,4 triệu, đủ để duy trì hoạt động rang xay của các công ty. Những tuyên bố này đã bị bác bỏ bởi Bộ trưởng Nông nghiệp.
Phe chống nhập khẩu cũng chỉ ra kinh nghiệm của ngành ca cao. Braxin từng là một nhà sản xuất ca cao hàng đầu, nhưng trong một hoàn cảnh khá giống như vấn đề của robusta hiện nay, đã mở cửa thị trường cho nhập khẩu trong những năm 90.
Những nông dân trồng ca cao trong nước không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu rẻ hơn và cùng với sâu bệnh hại, khu vực trồng ca cao đã biến mất. Đất nước từng là nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới giờ đây đứng thứ bảy, chiếm 3% tổng sản lượng.
“Đối với các tiểu bang phụ thuộc vào trồng hạt cà phê robusta, nỗi sợ hãi thực sự của họ là cà phê của họ sẽ bị thay thế bởi cà phê từ Việt Nam hay Bờ Biển Ngà”, ông Carlos Brando, Giám đốc hãng tư vấn cà phê quốc tế P&A nói.
 
ĐTK tổng hợp theo thoibaotaichinhvietnam

Đăng nhận xét