Giá nông sản hôm nay 8.6: Lo ngay ngáy vì giá tiêu, cà phê khó đoán

Giá nông sản hôm nay 8.6, dự báo thị trường hồ tiêu vẫn tiếp tục im ắng, giao dịch dè dặt vì với mức giá thấp nhất 71.000 đồng/kg của ngày hôm qua, hầu hết nông dân và thương lái đều nóng ruột như ngồi trên chảo lửa. Với mặt hàng cà phê, mở cửa phiên giao dịch sàn thế giới trái chiều nhau, trong khi sàn New York tăng nhẹ thì sàn London ngập sắc đỏ.

Giá nông sản hôm nay 8.6, dự báo giá hồ tiêu không có biến động mạnh và vẫn ở mức thấp. Ảnh minh hoạ
Giá tiêu gần chạm mức 70.000 đồng/kg
Sau 2 ngày giá giảm liên tiếp, giá thu mua hồ tiêu tại các vùng nguyên liệu lớn trong nước ngày hôm qua tiếp tục giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg, giao dịch trong khoảng 71.000 – 73.000 đồng/kg. Khi giá tiêu về quanh mức 80.000 - 82.000 đồng/kg của tuần trước, nhiều chuyên gia cho rằng giá tiêu sẽ ổn định và khó giảm, song không ai ngờ được giá tiêu lại tụt xuống gần chạm mốc 70.000 đồng/kg như hiện nay. 
Đối với bà con nông dân, mức giá này đã giảm rất khủng khiếp, song với các đại lý, thương lái thì họ còn "sốc" hơn. Chủ đại lý V.N ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) cho biết, tâm lý lâu nay của đại lý là đầu cơ tích trữ tiêu, do đây là mặt hàng thương mại thu lợi nhuận cao nhất trong mấy năm qua, mặc dù đòi hỏi đại lý phải “dày vốn” với ít nhất là 5 tỷ đồng vốn lưu động.
“Tuy nhiên, có ai ngờ năm nay giá tiêu không đạt như 2 năm trước mà giảm nhanh, giảm sâu như vậy. Mới đầu năm nay, tiêu vẫn còn trên 130.000 đồng, sau đó từ tháng 4 bắt đầu tụt dần xuống 100.000 đồng, rồi hiện trên 70.000 đồng/kg. Bây giờ các đại lý cấp 2 như tụi tôi thật sự chới với, bao nhiêu vốn liếng đều nằm hết trong kho, tiêu đầy kho mà bán ra không được" - chủ đại lý V.N nói.
Giá tiêu tham khảo tại một số thị trường nội địa (ngày 7.6). Nguồn: tintaynguyen.com
Trao đổi với PV, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - cho biết: “Tôi không thể ngờ giá tiêu lại tụt dốc không phanh như vậy, thiệt hại của người trồng tiêu trong mấy tháng qua là rất lớn. Do người dân găm hàng nên thời gian tới giá có thể tăng nhưng không nhiều, còn về dài hạn thì dự báo 2 năm tới giá tiêu còn giảm mạnh hơn nữa”.
Cũng theo ông Bính, tốt nhất là người dân nên ngừng trồng mới hồ tiêu trong vòng 5 năm tới, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
Trong khi đó, vì nguồn cung ngày càng hạn hẹp nên tiêu Ấn Độ liên tiếp tăng giá. Thị trường kỳ hạn phiên 6.6 đã không có lô hàng nào được nhập về. Cụ thể, giá tiêu giao ngay tại Ấn Độ tăng thêm 100 rupee lên 50.600 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 52.600 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).
Thu hoạch hồ tiêu tại Ấn Độ và Việt Nam hầu như đã hoàn tất. Sản lượng tại Ấn Độ được báo cáo là giảm nhiều so với năm ngoái và giá năm nay tương đối cao. Do nhu cầu nội địa lớn và sản lượng giảm, thị trường hồ tiêu tại Ấn Độ tiếp tục không ổn định và giá tiêu cho thấy xu hướng tiếp tục tăng. Tính trung bình giá tiêu đen Malabar nội địa trong tháng 5 đã tăng 2,30 % so với trung bình của tháng trước.
Tại Sri Lanka, giá tiêu trung bình tại các khu vực trồng tiêu cũng đã tăng thêm 2,34 %, vụ thu hoạch hồ tiêu của Sri Lanka trong năm nay đã bắt đầu vào tháng 5.
Giá cà phê đảo chiều giảm 
Hôm qua, thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên lại đảo chiều giảm 200 đồng xuống giao dịch phổ biến ở mức 42.800 – 43.300 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ tại cảng TP.HCM, giá FOB lên mức 1.945 USD/tấn, với mức chênh lệch trừ lùi 30 – 40 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London. Mức giá này đã giảm 11 USD/tấn so với ngày trước đó.
Giá nông sản hôm nay tham khảo tại một số tỉnh Tây Nguyên (ngày 7.6). Nguồn: tintaynguyen.com
Trên sàn ICE Europe – London, trang giacaphe.com cho biết, giá cà phê Robusta đảo chiều giảm trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 11 USD, xuống 1.985 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 11 USD, còn 2.004 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo ở các kỳ hạn gần được rút ngắn lại.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 2,9 cent, xuống 125,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 2,9 cent, còn 127,9 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Trước đó trong phiên đầu tuần, giá cà phê tăng mạnh nhờ hoạt động bán khống và thời tiết mùa đông bất lợi tại Brazil. Giá cà phê biến động thất thường trong khoảng 2 tuần gần đây khi thị trường liên tục cập nhật về tình hình thời tiết tại Brazil và nguồn cung tại một số nước sản xuất lớn.
Bên cạnh vấn đề thời tiết, lúc này các nhà buôn đang quan tâm đến hàng vụ mới ra của Brazil. Theo đánh giá sơ bộ từ các nhà xuất khẩu thì đợt hàng vụ mới ra có kích cỡ hạt nhỏ hơn niên vụ vừa qua, cơ cấu hạt cỡ sàng 18 không còn được tỷ lệ như niên vụ cũ có thể đây chỉ là do đầu vụ thu hái, tình hình thu hái tại Brazil vẫn tiếp tục ổn định. Các lô hàng chào bán ra từ các nhà xuất khẩu rất thận trọng do chưa chắc lượng hàng có được trong tay thời điểm này, giá trừ lùi đang tại mức – khoảng 15 cents trên kỳ hạn tháng 7 sàn New York.
Tại Việt Nam cũng xuất hiện các chào mua mới từ các đại diện nhưng phần lớn vẫn không có nhiều hàng được bán khi giá chào mua FOB thấp hơn giá giao ngay trong nội địa, mức giá trừ lùi hiện tại đang -20/-30 USD/tấn kỳ hạn tháng 7, trong khi giá nội địa giao ngay lại đang ở mức +20/+30 trên kỳ hạn giá tháng 7.
 
ĐTK tổng hợp theo danviet

Đăng nhận xét