Hậu quả từ chăn nuôi theo kiểu phong trào

Theo người dân Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), “cơn bão” giá lợn là bài học “đắt giá” về việc tăng đàn ồ ạt, nuôi lợn theo phong trào mà chưa nghiên cứu kỹ thị trường và bỏ qua khuyến cáo của chính quyền địa phương.

Tăng đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát
“Khi thấy giá lợn hơi tăng lên 56.000 đồng/kg, nhà nhà người người đổ xô đi nuôi lợn nên chúng tôi cũng đầu tư thêm 1 tỷ đồng để mở rộng chuồng trại, tăng quy mô đàn nhưng thật không ngờ sau đó giá lợn lại xuống dốc không phanh như vừa qua.”, anh Lê Huy Mạnh, đội 12, xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) chia sẻ. Hệ quả tất yếu của việc chăn nuôi theo phong trào là dư thừa nguồn cung và giá rớt thảm hại. Giờ đây, gia đình anh đang gánh số nợ hơn 2 tỷ đồng vì tăng đàn lợn quá nhanh, không có tiền trả nợ, phải bán tống, bán tháo cho thương lái.
Bài học “đắt giá” về việc việc tăng đàn ồ ạt đã khiến anh Mạnh hiểu rằng, sản xuất theo phong trào, đầu ra phụ thuộc vào thương lái thì sớm muộn gì cũng có kết cục như ngày hôm nay. "Để tránh lặp lại sai lầm và cắt giảm thua lỗ, tôi đã phải thu gọn đàn nái từ 35 xuống còn 22 con, bán bớt những con nái kém chất lượng. Chỉ khi tín hiệu thị trường thật sự rõ ràng, có đầu ra ổn định anh mới dám tăng đàn nhưng sẽ không tăng ồ ạt như trước đây" anh Mạnh rút ra bài học.
Qua “cơn bão” giảm giá thịt lợn, ông Phạm Bá Vinh (hàng xóm của anh Mạnh) cũng rút ra bài học cho riêng mình: “Trước khi muốn tăng đàn, chúng tôi phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng thị trường hoặc hợp tác với các công ty bao tiêu sản phẩm. Như vậy, sẽ không phải nơm nớp lo sợ việc nhà nhà tăng đàn ồ ạt dẫn tới bán tống, bán tháo như thời gian qua”.
Nhiều ô chuồng để trống sau cơn bão giá thịt lợn. Ảnh minh họa.
Thực tế, việc tăng đàn lợn ở nhiều địa phương đã diễn ra ồ ạt, thiếu kiểm soát từ đầu năm 2016 khi thịt lợn hơi có dấu hiệu tăng giá. Theo Cục Chăn nuôi, tính tới cuối 2016, chưa kể các trang trại nhỏ, chỉ tính riêng số lượng các trang trại lớn và vừa đã lên tới con số 26.000, tăng tới 23% so với năm 2015. Đáng nói, cả 3 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm là đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ đều phát triển nóng đàn lợn. 
Mặc dù quy hoạch chăn nuôi lợn đã có từ năm 2008, tuy nhiên đến nay, không tỉnh nào thực hiện quy hoạch này và hầu hết là phá vỡ quy hoạch. Với số lượng trên 4,3 triệu lợn nái, đàn lợn thịt có mặt thường xuyên cả nước ước lên tới trên 29 triệu con, cho ra sản lượng trên dưới 6 triệu tấn/năm. Trong khi, mức tiêu thụ tối đa của Việt Nam chỉ 3 triệu tấn thịt lợn/năm.
 
ĐTK tổng hợp theo baotintuc

Đăng nhận xét