Thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản phẩm chăn nuôi của nước ta đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và có dư để xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường như: Hồng Công (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a; trứng gia cầm đã qua chế biến (trứng vịt muối, trứng chim cút…) xuất sang Nhật Bản, Xin-ga-po.

Theo Cục Thú y, năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11 nghìn tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Trong năm tháng đầu năm 2017, xuất khẩu đạt khoảng 10.600 tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD).
Thực tế trên cũng là một nghịch lý, bởi trong mấy năm qua, ngành chăn nuôi luôn có sự tăng trưởng tốt, song sản phẩm làm ra lại chưa thể xuất khẩu tương xứng với tiềm năng. Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia chăn nuôi, thú y cho rằng, tiêu chuẩn khó nhất với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm chăn nuôi phải xuất phát từ vùng hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh, nhất là đối với sản phẩm tươi sống.
Song, đến nay chúng ta vẫn chưa có vùng an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận; không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối (sản phẩm xuất khẩu). Phần lớn các cơ sở giết mổ đều chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có hệ thống sơ chế, chế biến sâu, bảo quản sản phẩm để xuất khẩu. Trong khi đó, các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm chăn nuôi nhìn chung còn cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Đây cũng là hệ quả của những bất cập đã tồn tại khá lâu trong ngành chăn nuôi. Đó là chúng ta chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tổng thể, một số địa phương đã tiến hành quy hoạch nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư. Tổ chức sản xuất còn bất cập, liên kết sản xuất lỏng lẻo. Còn rất nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, cho nên chưa hình thành được các vành đai an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi tập trung. Chưa tạo được các chuỗi sản xuất thịt lợn, thịt gà có kiểm soát theo hình thức khép kín đến sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Vì vậy, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, cần có một chiến lược bài bản, từ quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn, đến định hướng sản phẩm theo thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Theo đó, các địa phương cần tập trung việc quy hoạch vùng chăn nuôi, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, theo yêu cầu của OIE, như lở mồm long móng, dịch tả lợn, cúm gia cầm. Cùng với đó, cần sự tiếp sức của các doanh nghiệp nhằm tổ chức xây dựng đề án sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm không có tồn dư các hóa chất (kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng...), đến hệ thống dây chuyền giết mổ và pha lóc, hệ thống bảo quản mát, cấp đông…
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy, phải đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế nhằm tạo ra những sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
 
ĐTK tổng hợp theo nhandan

Đăng nhận xét