Nhờ công tác tuyên truyền và việc tăng chế tài xử phạt đối với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, việc ngăn chặn sử dụng chất cấm đã mang lại hiệu quả đáng kể.
Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, việc ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như salbutamol, vàng ô... (hay còn gọi là chất tạo nạc) được nêu lên như một điểm sáng.
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên từ các vùng chăn nuôi trọng điểm tại Đông Nam Bộ, hiện nay từ "chất cấm" đã không còn là từ được người chăn nuôi và người tiêu dùng nhắc đến. Kết quả này sẽ là bài học cho chủ trương quản lý và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian tới.
Hộ chăn nuôi của anh Trần Quốc Phong tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, dù đã từng không ít lần bị các thương lái dụ dỗ cho lợn sử dụng chất cấm để được mua với giá cao hơn so với giá thị trường, nhưng 2 năm nay gia đình anh đã kiên quyết nói không với chất cấm.
Theo Cục Chăn nuôi, chế tài quyết liệt và đủ mạnh chính là yếu tố để ngăn chặn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mức phạt gấp 8 - 10 lần, từ chỗ chỉ phạt 15 - 20 triệu đồng, tăng lên 100 - 200 triệu đồng, thậm chí tình tiết nặng có thể lên đến 1 tỷ đồng. Không chỉ dừng ở phạt thật nặng, với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, Luật Hình sự đã nâng mức xử phạt 20 năm tù giam. Những chế tài mạnh đã ngay lập tức có sức răn đe mạnh mẽ.
Từ tháng 9/2016 đến nay, cả nước không phát hiện được bất cứ một vụ mua bán hay sử dụng Salbutamol nào. Hiện Luật Dược của Bộ Y tế cũng đã đưa chất này vào diện kiểm soát đặc biệt, nghĩa là doanh nghiệp nhập khẩu phải giải trình được nhập bao nhiêu và sử dụng như thế nào mới cho nhập. Với việc chặn nguồn cung, cộng với nhận thức, hiểu biết của nông dân đã tăng cao, nên Sabultamol đã được loại trừ gần như hoàn toàn. Hiện đã có 350. 000 cơ sở ký cam kết không sử dụng chất cấm.
ĐTK tổng hợp theo vtv
Đăng nhận xét